Văn Hóa Công Sở Nhật Bản Bạn Nên Biết
Nếu bạn thích nước Nhật, thích văn hóa Nhật và mong muốn làm việc tại Công ty Nhật thì ngay từ bây giờ bạn nên bắt đầu tìm hiểu về văn hóa công sở tại công ty Nhật Bản để nhé! Bài viết dưới đây, Việc Ơi sẽ giúp bạn tìm hiểu về những nét nổi bật trong văn hóa công sở tại Nhật Bản nhé!
Tác Phong Về Trang Phục
Đối với người Nhật Bản, họ rất coi trọng hình thức. Vì thế, trang phục của bạn cũng ảnh hưởng rất nhiều trong việc có nhận được thiện cảm của đối tác người Nhật hay không. Người Nhật rất xem trọng về việc này, vì họ quan niệm rằng trang phục gọn gàng, sạch sẽ, phù hợp với hoàn cảnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh, uy tín của cả nhân và kể cả của công ty. Hơn nữa, phương châm của người Nhật là xuất phát từ hình thức, có thể hiểu là bắt đầu từ việc hoàn thiện hình thức, sau đó tiếp tục cụ thể hóa dần nội dung.
Văn Hóa Chào Hỏi
Đối với người dân Nhật Bản, văn hóa cúi chào là văn hóa ứng xử đầu tiên của họ. Đặc biệt hơn là trong môi trường công sở, việc cúi chào sẽ giúp bạn dễ dàng nhận được cảm tình của đồng nghiệp cũng như của cấp trên.
Có ba kiểu chào mà bạn sẽ cần phải lưu tâm. Kiểu chào đầu tiên là kiểu “chào nhẹ” khi gặp khách hay cấp trên ở hành lang, lúc này đầu của bạn chỉ hơi cúi chào. Kiểu chào thứ hai đó là kiểu “chào bình thường”, lúc này bạn nên cúi người thấp hơn một chút, thể hiện cách chào tương đối trịnh trọng. Và cuối cùng là kiểu “chào lễ phép”, bạn nên cúi người thấp hẳn xuống, áp dụng cho tình huống trịnh trọng.
Một điều lưu ý trong cách chào hỏi của người Nhật Bản đó là khi chào bạn không cúi đầu mà phải để thẳng lưng và hơi gập người ở chỗ thắt lưng, điều này mới thể hiện được đúng phong cách của người Nhật. Hơn nữa, cách để tay của nam và nữ cũng khác nhau, chẳng hạn như nam giới thì sẽ để tay ở hai bên hông, ngược lại nữ giới sẽ để tay phía trước người, trông sẽ đẹp và trang trọng hơn.
Nhận Và Đưa Danh Thiếp
Khác xa với văn hóa tại Việt Nam, đối với người Nhật Bản danh thiếp lại vô cùng quan trọng. Đặc biệt hơn là trong lần gặp lần đầu, danh thiếp rất được coi trọng. Do vậy bạn cũng nên đặc biệt chú ý về vấn đề này khi gặp gỡ và làm việc với đối tác người Nhật hoặc với cấp trên của mình.
Đầu tiên, khi trao danh thiếp cho đối phương, bạn phải hết sức cẩn thận. Bạn nên cầm hai góc của danh thiếp và hướng chữ về phía chính diện của người được trao. Hơn nữa sau khi nhận danh thiếp, bạn cần phải giữ gìn cẩn thận, điều này thể hiện sự tôn trọng đối với người mình gặp. Không được phép nhét vào túi mà phải cẩn trọng cho nó vào sổ danh thiếp, còn lúc đang nói chuyện thì phải tạm đặt lên bàn.
Nghiêm Túc Trong Công Việc
Bạn biết đấy, phương châm của người Nhật đó chính là “Sống để làm việc”. Do vậy, họ rất yêu công việc nên đó cũng chính là lý do khiến người Nhật nổi tiếng là những người làm việc rất hăng say, chăm chỉ và họ thường về nhà rất muộn.
Hơn nữa, trong môi trường công sở, người Nhật cư xử cũng như thể hiện tình cảm rất chừng mực. Ngoại trừ trong lúc cười đùa thì thường người Nhật Bản không thể hiện tình cảm khi làm việc, đặc biệt là trong các cuộc họp.
Trong văn hóa công sở, bạn sẽ không thấy được những va chạm cơ thể của người Nhật với đồng nghiệp. Họ thường nói chuyện với tông giọng thấp và rất có chừng mực. Họ thường nhắm mắt lại khi thể hiện sự chú ý đến người nói, đây thường là thói quen của người Nhật, bạn đừng nhầm lẫn đó là sự nhàm chán nhé!
Sống Vì Tập Thể
Người Nhật rất coi trọng giá trị tập thể, họ luôn đến sự đồng tâm hợp lực để có thể đạt được kết quả cao nhất. Nhiều nhà quản lý Tây Âu khi đến Nhật Bản làm việc đã gặp nhiều thất bại khi họ đã áp dụng những cách quản lý chú trọng vào vai trò cá nhân mà quên đi rằng họ đang làm việc trên đất nước chú trọng tầm quan trọng của tập thể.
Một văn hóa nữa bạn cũng nên học từ người Nhật đó chính là việc phát huy tinh thần đồng đội, vì ngày nay làm việc theo đội nhóm chính là một hình thức phổ biến và quan trọng. Như bạn thấy đấy, nếu như chúng ta cứ mãi chú trọng đến vai trò cá nhân thì chắc chắn một doanh nghiệp sẽ thất bại vì bởi lẽ mọi người chỉ biết quan tâm đến thành tích của riêng họ. Họ không hề quan tâm đến kết quả của công việc chung, không vì tập thể. Nhưng một điều quan trọng hơn hết, chúng ta nên tìm hiểu cách để cân bằng giữa hai khái niệm “tập thể” và “cá nhân”.
Làm Hết Sức, Chơi Hết Mình
Họ sẽ không ngần ngại để tìm cách giải tỏa những căng thẳng áp lực sau mỗi một ngày dài làm việc mệt mỏi. Họ thường hay đến các quầy bar để trút hết những áp lực của mình. Một điểm đến khác cũng được người Nhật thường xuyên tìm đến đó chính là các quán karaoke. Tại đây, họ sẽ được thoải mái hát hò, việc này sẽ giúp họ lấy lại được cân bằng sau ngày dài làm việc vất vả. Hơn nữa, đây cũng là dịp giúp họ cùng nhau chia sẻ thông tin, giúp thắt chặt tình bạn cũng như cũng cố tinh thần đồng đội.